Oprah Gail Winfrey (tên khai sinh Orpah Gail Winfrey;[1] sinh ngày 29 tháng 1 năm 1954) là một nữ giám đốc truyền thông, diễn viên, người dẫn chương trình trò chuyện, nhà sản xuất truyền hình và nhà từ thiện người Mỹ. Bà được biết đến với chương trình trò chuyện The Oprah Winfrey Show, đây là chương trình truyền hình được đánh giá cao nhất trong lịch sử và được phát sóng trên toàn quốc trong vòng 25 năm liên tục, từ năm 1986 đến 2011 từ Chicago.[5][6] Được mệnh danh là “Nữ hoàng của mọi phương tiện truyền thông”,[7] bà là người Mỹ gốc Phi giàu nhất thế kỷ 20[8][9] và là tỷ phú da đen đầu tiên của Bắc Mỹ,[10] cũng như được đánh giá là nhà từ thiện da đen vĩ đại nhất trong lịch sử nước Mỹ.[11][12] Đến năm 2007, trong một vài thời điểm, bà cũng được đánh giá là người phụ nữ có ảnh hưởng nhất trên thế giới.[13][14]
Winfrey sinh ra trong nghèo khó ở vùng nông thôn Mississippi, bà trở thành mẹ đơn thân ở tuổi vị thành niên và sau đó trải qua những năm tháng thiếu niên ở thành phố Milwaukee. Bà chia sẻ rằng bản thân đã bị quấy rối tình dục trong thời thơ ấu cho tới đầu tuổi vị thành niên, dẫn đến việc mang thai ở tuổi 14; con trai của Winfrey bị sinh non và mất khi còn ẵm ngửa.[15] Winfrey sau đó được gửi đến sống với người đàn ông mà bà gọi là cha mình, Vernon Winfrey, một thợ cắt tóc ở Tennessee, và tìm được một công việc trong đài phát thanh khi còn học trung học. Năm 19 tuổi, bà trở thành người dẫn chương trình tin tức buổi tối địa phương. Lối giao tiếp thường đầy cảm xúc của Winfrey sau này đã dẫn dắt bà chuyển hướng sang lĩnh vực chương trình trò chuyện ban ngày, và sau khi góp phần thúc đẩy chương trình trò chuyện địa phương ở Chicago xếp hạng thứ ba lên vị trí đầu bảng,[16] bà đã thành lập công ty sản xuất truyền hình của riêng mình và trở thành công ty quốc tế.
Vào giữa những năm 1990, Winfrey đã tái định nghĩa chương trình của mình với trọng tâm là văn học, tự phát triển bản thân, chánh niệm và tâm linh. Mặc dù bị chỉ trích vì gỡ bỏ những ràng buộc văn hóa thú tội (confession), thúc đẩy các ý tưởng tự giúp đỡ bản thân gây tranh cãi,[17] và có kiểu cách tiếp cận tập trung vào cảm xúc,[18] bà cũng được khen ngợi vì đã vượt qua nghịch cảnh để trở thành ân nhân cho người khác.[19] Winfrey cũng đã nổi lên như một lực lượng chính trị trong cuộc đua tổng thống năm 2008, mang lại khoảng một triệu phiếu bầu cho Barack Obama trong cuộc bầu cử sơ bộ năm 2008 của đảng Dân chủ.[20] Năm 2013, Winfrey đã được Tổng thống Obama[21] trao tặng Huân chương Tự do Tổng thống và bằng tiến sĩ danh dự của Đại học Duke và Harvard.[22][23] Năm 2008, cô thành lập mạng truyền hình của riêng mình, Oprah Winfrey Network (OWN).
Được cho là đã tạo ra một hình thức giao tiếp truyền thông thân mật hơn,[24] Winfrey đã phổ biến và cách mạng hóa[24][25] thể loại thảo luận lá cải do Phil Donahue đi tiên phong.[24] Thông qua phương tiện truyền thông này, Winfrey đã phá vỡ những điều cấm kỵ trong thế kỷ 20 và cho phép người LGBT vào giới truyền thông thông qua việc họ nhiều lần xuất hiện trên truyền hình.[26][27] Năm 1994, cô được giới thiệu vào Nhà lưu danh Phụ nữ Quốc gia.[28] Winfrey đã giành được nhiều giải thưởng trong suốt sự nghiệp của mình, bao gồm 18 giải Daytime Emmy, bao gồm Giải thưởng Thành tựu trọn đời và Giải thưởng của Chủ tịch, hai giải Primetime Emmy, bao gồm Giải thưởng Nhân đạo Bob Hope, một giải Tony, một giải thưởng Peabody và Giải thưởng Nhân đạo Jean Hersholt, được trao bởi Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh và hai đề cử Giải Oscar bổ sung. Winfrey được bầu làm thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Hoa Kỳ vào năm 2021.[29]
Tuổi trẻ
Winfrey chào đời tại Kosciusko, tiểu bang Mississippi (Hoa Kỳ) ngày 29 tháng 1 năm 1954 trong một gia đình nghèo là tín hữu thuộc giáo phái Baptist, được đặt tên Orpah Gail Winfrey, theo một nhân vật trong sách Ruth (Ru-tơ) của Kinh Thánh, nhưng bà đỡ khi viết giấy khai sinh đã đánh vần sai tên này và từ đó cô bé mang tên Oprah. Mẹ của Oprah, Vernita Lee, là một người hầu phòng, cha cô, Vernon Winfrey, là thợ mỏ, về sau hành nghề hớt tóc, cuối cùng là nghị viên thành phố. Lúc cô bé chào đời, người cha đang ở trong quân đội. Cha mẹ của cô lấy nhau khi chưa đến hai mươi tuổi và không đăng ký kết hôn. Sau khi sinh Oprah, mẹ bà phải chuyển tới phương Bắc để kiếm việc làm, vì vậy cô sống sáu năm trong sự chăm sóc của bà ngoại Haitee Mae (15/9/1900 – 27/1/1963). Tuy công việc đồng áng cực khổ nhưng bà ngoại đã dạy Oprah đọc và đưa cô đến nhà thờ, ở đây cô được gọi với biệt danh “Nhà thuyết giáo” do khả năng trưng dẫn Kinh Thánh của cô. Bà ngoại đã giúp cô nên người với cách dạy dỗ khá nghiêm khắc, khi cần thiết bà dùng một cây roi nhỏ (ở miền Nam đó là một cây roi mềm, chỉ có tác dụng tâm lý hơn là gây đau đớn cho trẻ bị đòn) để nhắc nhở Oprah khi cô không chịu làm việc nhà hoặc sai trái trong cư xử.
Khi còn bé, Oprah đã tỏ ra rất thông minh và có quyết tâm cao, cô tập đọc khi mới vừa lên hai. Lên sáu Winfrey đến sống với mẹ ở Milwaukee mặc dù cô bé không thể tìm thấy nơi mẹ sự hỗ trợ và khích lệ như ở bà ngoại. Ở đây Winfrey phải chịu đựng một số ngược đãi vì làn da khá sẫm màu của mình như bị buộc phải ngủ ngoài hiên nhà trong lạnh giá cũng như bị nhục mạ vì gương mặt của cô. Oprah thuật lại rằng cô đã bị cưỡng bức khi mới lên chín và thường bị dụ dỗ bởi người bạn trai của người dì họ, Oprah trượt dần vào cuộc sống phóng đãng. Lúc 14 tuổi, cô đến sống với cha ở Nashville, Tennessee.
Cha cô, Vernon, nghiêm khắc nhưng biết cách khích lệ và xem việc học của cô con gái là ưu tiên hàng đầu. Winfrey trở thành học sinh xuất sắc và được cấp học bổng toàn phần để theo học tại Đại học Tiểu bang Tennessee, một cơ sở giáo dục lâu đời dành riêng cho người da đen. Tại đây Winfrey theo học ngành truyền thông học. Lúc 18 tuổi, Winfrey giành được chiến thắng trong cuộc thi hoa hậu da đen tiểu bang Tennessee.
Từ khi Winfrey mới biết nói, bà ngoại tin rằng cô sẽ xuất hiện trên sân khấu. Khi còn bé Winfrey đã chơi trò phỏng vấn búp bê và quạ trên hàng rào của nhà cô, nhưng sự nghiệp của cô trong thế giới truyền thông chỉ đến khi cô vừa được mười bảy tuổi, làm việc cho một chương trình phát thanh của trường trung học.
Khi được nhận vào làm việc cho một đài truyền hình địa phương, đài WTVF-TV của Nashiville, Winfrey là người dẫn chương trình tin tức trẻ nhất cũng là phụ nữ da đen đầu tiên được giao dẫn chương trình tin tức ở đây. Năm 1976, Winfrey đến làm việc cho đài WJZ-TV ở Baltimore, là người đồng dẫn chương trình tin tức lúc sáu giờ. Rồi cô được tuyển dụng để cùng Richard Sher dẫn chương trình đối thoại địa phương của WJZ, People Are Talking (Người dân lên tiếng), phát sóng lần đầu ngày 14 tháng 8 năm 1978.
Đánh giá Nhân vật ảnh hưởng thế giới TK 20 – Oprah Winfrey
Chưa có đánh giá nào.