Có rất nhiều những ghi chép khác nhau về vị Trạng Nguyên đầu tiên của nước Việt: ví như Lê Văn Thịnh được gọi là Khai khoa Đại Việt khi nhà Lý – Năm Ất Mão – 1075 niên hiệu Thí Ninh thứ 4 đời Vua Lý Nhân Tông – mở khoa thi nho học Tam trường đầu tiên trong lịch sử của nền học vấn Đại Việt. Tuy nhiên, kì thi đó chưa lấy đậu Trạng Nguyên mà chỉ gọi là Nhất giáp. Vì thế, trong danh sách 47 vị Trạng Nguyên treo ở Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) đã ghi danh Nguyễn Quán Quang là vị Trạng Nguyên đầu tiên vì ông đỗ đầu khoa thi “Tiến sĩ” năm 1246.
Nguyễn Quán Quang là người xã Tam Sơn, huyện Đông Ngàn, Kinh Bắc, nay là xã Tam Sơn, Thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Sinh ra trong một gia đình nghèo không có tiền theo học nên lúc bé thường lân la ngoài cửa lớp nghe thầy dạy bọn học trò trong làng học sách Tam tự kinh rồi dùng gạch non viết lên nền gạch. Vì thế mà dân gian gọi ông là “Thần đồng” học lỏm. Sân nhà thầy giáo có những nét chữ như rồng hay phượng múa và thầy giáo đã nhận ông vào học vì mến tài chữ, tài học của ông. Quán Quang nổi tiếng thông minh, học giỏi và thông thạo mọi điều từ việc lầu thông kinh sử cho đến ứng khẩu thành thơ, đàm đạo việc đời uyên bác. Ông liên tiếp đỗ đạt trong các kì thi Hương ( đậu Giải Nguyên), thi Hội ( đậu Hội Nguyên) cho đến kì thi Đại Tỷ thủ sĩ ông cũng đậu Trạng nguyên. Vì thế người đời gọi ông là Tam nguyên. Ngày nay, nhắc đến những vị Trạng nguyên, người đời thường nhắc đến Nguyễn Hiền – trạng nguyên trẻ nhất – chứ ít người biết đến Quán Quang và những câu chuyện thuộc về ông.
Truyện kể rằng sau khi vinh quy bái tổ, ông được vua tin tưởng ra chiếu cử sang thương nghị với giặc. Tên tướng giặc nổi tiếng kiêu hùng và thâm hiểm. Nhân đi qua ao bèo, hắn vớt một nắm bèo lên và bóp nát để tỏ ý coi thường nước Việt như một nắm bèo non yếu ớt, dễ bị nóp nát, đè bẹp. Hiểu thâm ý của tướng giặc, Quán Quang đã nhặt một hòn đá rồi ném xuống ao bèo. Bèo dạt ra một khoảng rồi lại tụm lại kín mặt ao với thâm ý rằng: Người Việt luôn đoàn kết để bảo vệ đất nước, giang sơn, không một sức mạnh nào có thể trấn át, đè bẹp hay khuất phục được. Tướng giặc tím mặt giận lắm mà đành hoãn binh không dám tiến quân xâm lược nước ta ngay. Ông cũng nổi tiếng là người thanh liêm, cương trực, hết lòng vì dân vì nước và có nhiều công lao, có nhiều cống hiến cho đất nước. Đến khi tuổi già, ông về quê mở trường dạy học, sống một đời thanh đạm. Sau này ông mất, nhân dân lập đền thờ ông trên núi Viềng và gọi là đền Thành hoàng. Và để tưởng nhớ tới ông, hàng năm đến ngày 22 tháng Chạp âm lịch, dân làng lại tổ chức “Tế phong mã” để nhớ tới vị Trạng nguyên đầy tài năng và ân đức cũng là để nhắc cho thế hệ sau này tiếp nối truyền thống hiếu học của tổ tiên.

Đánh giá 10 Kỳ tài trong lịch sử Việt Nam – Nguyễn Quán Quang
Chưa có đánh giá nào.